“NGHỀ” QUẢN TRỊ CHUNG CƯ
23/08/2019|THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
ĐTCK - Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các ban quản trị là quản lý và sử dụng đúng, hiệu quả quỹ bảo trì. Với các chung cư lớn, quỹ bảo trì có thể lên đến vài chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng.
Chia sẻ bên lề cuộc hội thảo về quản lý, vận hành chung cư do Báo Đầu tư tổ chức gần đây, bà Vũ Ngọc Hương, Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim (Venus) kể chuyện rằng, dường như có những người “làm nghề” thành viên ban quản trị chung cư chuyên nghiệp.
Tại một số khu chung cư mà Venus trúng thầu quản lý đều thấy xuất hiện những người này trong ban quản trị, dù họ không sở hữu căn hộ tại chung cư đó.
Câu chuyện này thực ra không phải là hiếm dù theo Điều 19, Thông tư 02/2016/TT-BXD, thì thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó.
Trên danh nghĩa, và nếu hoạt động một cách thực sự minh bạch, vì cộng đồng dân cư, trong đó có gia đình mình, thì ban quản trị đúng là “quyền rơm vạ đá”, công việc khá vất vả và nhạy cảm, trong khi quyền lợi chỉ là một khoản phụ cấp không đáng kể.
Tuy nhiên, nếu muốn khuất tất để tư lợi, ban quản trị chung cư cũng có nhiều “điều kiện”. Từ việc có thể yêu cầu hoa hồng để lựa chọn đơn vị quản lý dịch vụ này mà không phải đơn vị dịch vụ khác, đến việc thông đồng để nâng giá dịch vụ thường xuyên, giá bảo trì, sửa chữa các hạng mục, xà xẻo quỹ bảo trì…, đến những “chuyện nhỏ” như có thể hưởng chênh lệch lãi suất đối với khoản tiền phí bảo trì không nhỏ gửi ngân hàng.
Trên thực tế, tại nhiều chung cư, đã có những ban quản trị hoạt động không hiệu quả, hay thậm chí còn là nguyên nhân gây ra các xung đột tại tòa nhà. Trường hợp của Chung cư The Văn Phú Victoria (Hà Đông, Hà Nội) và Chung cư N3B (Thanh xuân, Hà Nội… là những ví dụ cụ thể, khi người dân phải đứng ra đấu tranh ngược với chính ban quản trị mà mình đã tín nhiệm bầu ra.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quản lý nhà toàn cầu (Global Home - TP.HCM) cho rằng, có không ít trường hợp, đã có những người xấu chen chân thành công, trở thành thành viên ban quản trị để trục lợi. Thậm chí, theo ông Thành, dân trong nghề còn ví von, giờ có thêm một nghề là nghề làm ban quản trị.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các ban quản trị là quản lý và sử dụng đúng, hiệu quả quỹ bảo trì. Với các chung cư lớn, quỹ bảo trì có thể lên đến vài chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Do đó, “rổ trứng” này chỉ thực sự an toàn nếu cư dân lựa chọn được cho mình một ban quản trị tốt, có tài, có tâm để trao gửi.
Chính vì vậy, việc Bộ Xây dựng vừa lấy ý kiến dự thảo Thông tư “Ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư” thu hút được sự chú ý của nhiều thành viên thị trường.
Một nội dung quan trọng của dự thảo thông tư, thực chất là dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2016TT-BTC, được nhiều người quan tâm đó là việc bầu ra ban quản trị chung cư.
Tuy nhiên, theo Điều 19 của dự thảo lần này, thì để khuyến khích những người có kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, điện, điện tử, phòng cháy chữa cháy, tài chính, luật tham gia ban quản trị nhà chung cư, những cá nhân không phải là chủ sở hữu, nếu được chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác đó ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư thì có thể được bầu làm thành viên ban quản trị nhà chung cư.
Đây đang thực sự là một vấn đề gây lo ngại cho nhiều người.
Mới đây, đã có không ít độc giả gửi tới Báo Đầu tư Bất động sản nêu ý kiến, quan điểm về vấn đề này. Trong đó, tựu chung lại, các ý kiến đều cho rằng, quy định như vậy dễ để lọt người xấu vào ban quản trị, là kẽ hở để một số thành phần cơ hội không phải chủ sở hữu cũng có thể tham gia ban quản trị để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Các cụ ta có câu: “Nắm kẻ có tóc, chứ ai nắm kẻ trọc đầu”. Kể cả thành viên ban quản trị, người sở hữu căn hộ tại dự án - coi như “tài sản đảm bảo” thì giá trị căn hộ chỉ là một phần nhỏ so với tổng số tiền của quỹ bảo trì, trong khi, với các thành viên không phải là người sở hữu căn hộ thì có thể coi “tài sản đảm bảo” là 0, vậy lấy gì làm bằng. Ngộ nhỡ các thành viên ban quản trị ôm tiền đi mất (dĩ nhiên khả năng này khó xảy ra), thì cư dân biết kêu ai?
Thiết nghĩ, đây cũng là một điểm để Ban soạn thảo thông tư mới cân nhắc để hạn chế tối đa những nguồn cơn gây xung đột, cũng như nguy cơ cho quá trình vận hành sau này tại các chung cư.